Để tạo ra một không gian đẹp và tối ưu, bạn cần phải biết sử dụng và phối hợp các loại vật liệu trang trí nội thất chung cư một cách thông minh và khéo léo đồng thời bắt kịp các xu hướng sử dụng vật liệu mới. Dưới đây là 7 loại vật liệu trang trí nội thất căn hộ cơ bản hiện nay.
Nội Dung Bài Viết
Gỗ vật liệu không thể thiếu trong trang trí nội thất chung cư
Nội thất bằng gỗ không chỉ mang đến sự sang trọng, ấm cúng, tính thẩm mỹ cao cho tổ ấm của bạn mà chúng còn là một loại vật liệu phổ biến, thân thiện môi trường, không lỗi mốt. Hơn thế nữa, gỗ cũng có đa dạng về giá cả và màu sắc khác nhau. Bạn dễ dàng lựa chọn để phù hợp với không gian nhà mình.
Gỗ thường được sử dụng làm tủ bếp, bàn ghế, kệ, giường,… cùng nhiều loại nội thất khác trong gia đình.
Dưới đây là các chất liệu gỗ được sử dụng làm nội thất phổ biến tại thị trường Việt Nam hiện nay:
Gỗ tự nhiên
Ưu điểm của gỗ tự nhiên sử dụng làm nội thất là sang trọng, bền đẹp, không mất giá trị hàng hóa, có thể tái sử dụng, chế tác thành sản phẩm khác. Tuy nhiên, chi phí cho các sản phẩm gỗ tự nhiên khá cao.
Nội thất gỗ tự nhiên tại Việt Nam thường sử dụng các loại gỗ sau: Gỗ sưa, gỗ tần bì, xoan đào, óc chó, gỗ sồi, gỗ mun, gỗ trắc, gỗ lim, gỗ gụ, gỗ pơ mu, gỗ dái ngựa…
Gỗ công nghiệp
Gỗ công nghiệp có giá thành rẻ hơn gỗ tự nhiên, thời gian sản xuất nhanh, mẫu mã đa dạng, đặc biệt là không cong vênh, không bị co ngót. Hiện tại trên thị trường có các loại gỗ công nghiệp phổ biến như sau:
- MFC (Melamine Faced Chipboard) được sản xuất từ keo, cao su hay bạch đàn. Đây là các loại cây thu hoạch ngắn ngày. Phương pháp chế biến là băm nhỏ thành dăm gỗ và trộn với kéo rồi ép thành tấm, cuối cùng là hoàn thiện bề mặt bên ngoài. Gỗ MFC có loại lõi xanh chịu nước tốt thường được sử dụng làm tủ bếp hay các khu vực phải tiếp xúc với nước thường xuyên.
- MDF (Medium Density Fiberboard): Loại gỗ này sử dụng nguyên liệu giống như gỗ MFC nhưng được xay nhuyễn thành sợi nên chất lượng tốt hơn. Bền mặt gỗ MDF thường được bả, phun sơn và phủ lớp veneer, Laminate và acrylic.
- HDF (High Density Fiberboard): Là loại gỗ công nghiệp cao cấp nhất hiện nay. Chung được sản xuất từ bột gỗ, đã được xử lý để tăng độ cứng, chống mối mọt, từ gỗ tự nhiên. Lớp phủ bề mặt gỗ HDF thường là Melamine kết hợp với sợi thủy tinh tạo thành một lớp phủ trong suốt, giúp cho tấm gỗ được bèn màu, ổn định và bảo vệ tốt bề mặt.
Các sản phẩm gỗ này khá giống nhau nên các bạn cần tìm hiểu kỹ và học cách phân biệt trước khi quyết định chọn mua và sử dụng nhé.
Kính cường lực
Kính cường lực là loại kính được tôi nhiệt đến khoảng 700 độ C sau đó làm lạnh nhanh bằng khí mắt. Ưu điểm của kính cường lực là độ chịu lực tốt, bền, an toàn, chịu nhiệt cao, khả năng lấy sáng tốt. Bên cạnh đó, các vật liệu bằng kính sẽ tạo hiệu ứng không gian rộng hơn, thoáng hơn và sang trọng hơn.
Với các đặc tính ưu việt như vậy, kính cường lực có nhiều ứng dụng thực tiễn trong thiết kế nội thất như làm vách ngăn, làm tường thay thế cho vật liệu truyền thống, giá đỡ, bể cá, hay dùng làm cầu thang, lan can…
Kim loại
Cùng với sự phát triển của ngành nội thất, các vật liệu như nhôm, đồng, sắt, inox, thép, vàng đã được ứng nhiều trong sản xuất và thiết kế nội thất với tính thẩm mỹ cao, kiểu dáng phong phú, đa dạng. So với các vật liệu khác, kim loại có độ bền cao hơn, chịu lực tốt, không sợ nước, chống cháy và chống trầy xước tốt, dễ dàng vệ sinh.
Hơn nữa, nội thất bằng kim loại luôn đem lại vẻ sang trọng, hiện đại với gam màu lạnh vốn có và sự sáng bóng của chúng.
Hiện nay, kim loại có nhiều ứng dụng trong nội thất như làm bàn ghế, tủ bếp, kệ, giường hay các chi tiết trang trí…
Thạch cao
Thạch cao là một loại khoáng chất có nguồn gốc trong tự nhiên được trải qua quá trình chế tạo để trở thành thạch cao ứng dụng sử dụng làm vật liệu xây dựng hay đúc khuôn, đúc tượng.
Để tạo ra thạch cao sử dụng làm vật liệu xây dựng, người ta phải nung khoáng thạch cao ở 150 độ C để thu thạch cao khan. Từ đó đem nghiền thành bột và trộn cùng nước, phụ gia (sợi thủy tinh, bông thủy tinh…) để tăng độ bền cho sản phẩm. Cuối cùng là đổ khuôn và tạo hình theo mong muốn.
Ưu điểm của thạch cao là cấu tạo nhẹ, an toàn cho sức khỏe, khả năng chuyên dụng cao, đa dạng về màu sắc, hình dáng, thẩm mỹ.
Trong thiết kế nội thất, ứng dụng nổi bật nhất của thạch cao là trần thạch cao. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng làm tường, vách ngăn, hay một số họa tiết trang trí trên tường.
Đá nhân tạo ốp tường
Với khả năng chống nước vượt trội, đá ốp tường được sử dụng rộng rãi trong thiết kế nội ngoại thất. So với các sản phẩm sơn, dán giấy hay ốp gỗ thì vật liệu trang trí nội thất bằng đá nhân tạo bền đẹp hơn.
Trong các dòng đá nhân tạo ốp tường, nổi bật nhất là đá nhân tạo có nguồn gốc từ thạch anh. Chúng có độ bền, độ cứng tốt, màu sắc đa dạng thường được sử dụng làm vật liệu ốp tường, ốp sàn hay làm bàn bếp bởi sự sang trọng, tính thẩm mỹ và độ bền đẹp của chúng.
Sơn tường
Từ xưa đến nay, sơn luôn là vật liệu không thể thiếu trong bất cứ công trình xây dựng nào. Chúng vừa phổ biến, vừa có thể pha trộn thành các màu sắc khác nhau và rất dễ thi công, dù không làm trong ngành xây dựng thì bạn vẫn có thể tự sơn tường.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sơn khác nhau giá thành và chất lượng. Vì vậy, khi có ý định sơn tường, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Xác định địa điểm cần sơn tường, là ngoài trời hay trong nhà, khu vực đó có ẩm ướt không?
- Tìm hiểu về sơn có đặc tính gì: Chống thấm, chống nấm mốc, rong rêu. Sơn có bền màu không, khả năng bám dính tốt không.
- Bền mặt sơn là cứng hay mềm, có mịn không, có dễ vệ sinh làm sạch được không.
- Thành phần sơn có an toàn với sức khỏe không.
Bạn có thể tham khảo một số hãng sơn nổi tiếng ở Việt Nam như: Sơn Dulux, Jotun, Nippon, Mykolor, Kova, Jubytex, Sherwin William…
Đèn trang trí
Sẽ thật có lỗi nếu không gian nhà bạn thiếu đi chiếc đèn trang trí. Chúng không chỉ là vật trưng bày thẩm mỹ mà còn tạo ra hiệu ứng ánh sáng khác nhau, giúp không gian căn hộ của bạn lung linh và ấp áp hơn.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại đèn trang trí khác nhau, cơ bản có thể kể đến các loại như sau:
- Đèn chùm: Loại đèn này thường được thiết kế rất tinh tế, cầu kỳ và sang trọng, được lắp ở giữa căn phòng để tạo điểm nhấn cho không gian. Các không gian cần sự nguy nga, lộng lẫy thì không thể thiếu loại đèn trang trí này được.
- Đèn thả trần: Hay còn gọi là đèn treo, chúng mới xuất hiện trong mấy năm gần đây nhưng được người tiêu dùng ưa chuộng và đón nhận. Đèn sẽ được thả lơ lửng trong không trung bằng một sợi dây kim loại cố định với trần nhà dài từ 0,5-3m. Loại đèn này có thể sử dụng 1 chiếc hoặc sử dụng theo bộ 2-3-5 chiếc. Chúng thích hợp với nhiều không gian khác nhau như phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách, quán cafe, quầy bar. Đặc biệt, nếu bạn muốn tăng ánh sáng cho một khu vực nhất định hoặc sử dụng ánh sáng để phân tách với các khu vực khác thì đèn thả trần là một ý tưởng rất hay.
- Đèn ốp trần: Đèn ốp trần được ốp nổi trên trần nhà, giúp cung cấp ánh sáng nhẹ và trang trí cho căn phòng. Nếu đèn chùm hợp với phong cách tân cổ điển và cổ điển nhiều hơn thì đèn ốp trần lại hợp với phong cách thiết kế hiện đại. Loại đèn này cũng có rất nhiều hình dáng, mẫu mã khác nhau nhưng nói chung chúng khá đơn giản và ít bị lỗi thời.
- Đèn downlight: Đèn downlight có hai loại, âm trần và lắp nổi. Chúng sử dụng công nghệ led nên tạo ra nguồn sáng dễ chịu và độ sáng lan tỏa tương đối rộng rãi.
- Đèn pha tiêu điểm: Đây là loại đèn có ánh sáng soi rọi vào một khu vực để tạo nên điểm nhấn. Loại đèn này có hai màu sắc ánh sáng là trắng và vàng.
- Đèn cây: Khác với các loại đèn khác được gắn trên tường hay trên trần thì đèn cây lại đặt dưới đất và có thể di chuyển khi cần. Chúng thường sử dụng để tăng tính thẩm mỹ của phòng khách hay phòng ngủ hoặc tạo điểm nhấn cho một khu vực nào đó.
Tùy vào nhu cầu, bối cảnh hay phong cách thiết kế, bạn có thể lựa chọn loại đèn và mẫu mã khác nhau. Trên đây là 7 vật liệu trang trí nội thất chung cư phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Mỗi chất liệu khác nhau có ưu nhược điểm và giá cả khác nhau. Các bạn hãy tìm hiểu và cân nhắc khi chọn lựa nhé.
Xem thêm: